”Sóng Sóng” – Chuỗi workshop Âm thanh trong thực hành sáng tạo

”Sóng Sóng” – Chuỗi workshop Âm thanh trong thực hành sáng tạo

Thời gian: 2024-06-23

Hà Nội - Creative Square, số 1, Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Hội chợ & Triển lãm

14:00 – 16:00, Chủ nhật hàng tuần 05/05 – 23/06/2024
Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD
Creative Square, số 1, Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Link đăng ký

Thông tin từ ban tổ chức:

“Một hệ thống có thể bị xáo động bởi tương tác từ bên ngoài hoặc năng lượng biến thiên từ bên trong, kết quả tạo ra một xung động mà chúng ta gọi là ‘sóng’. Việc trực quan hóa dải bước sóng thông qua biểu đồ như thường thấy – vô hình trung ‘đóng khung’ tự nhiên như một đối tượng có thể đo lường được, để thuận tiện cho việc đo đạc, phân tích, nghiên cứu. Trong thực tế, ‘sóng’ hầu như không có điểm bắt đầu và kết thúc một cách tuyệt đối hay rõ ràng. Chúng là sự tiếp nối của những dao động vô hạn, chồng gối lên nhau, giao thoa và phản hồi. Sóng chính là tự nhiên”.

Các hình thức nghệ thuật đương đại (như sắp đặt, trình diễn, moving image…) ít nhiều đều chứa đựng yếu tố âm thanh – do chủ ý của nghệ sĩ, hay là kết quả tự thân của quá trình tương tác, vận động bên trong chính tác phẩm. Âm thanh vốn cũng là yếu tố tồn tại tự nhiên trong không gian vật lý (bao gồm cả âm thanh ở giải tần nghe được và không nghe được), nên ngay cả một sắp đặt, hay một tác phẩm vật thể cố định cũng đều có sự tham gia/tương tác của âm thanh trong trải nghiệm tổng thể.

Nhận thức về tầm quan trọng của âm thanh dẫn đến sự tham gia cộng tác chặt chẽ của người làm sound trong các sáng tạo thị giác. Mặt khác, bản thân người thực hành thị giác cũng có thể chủ động tiếp cận, khám phá và thử nghiệm với âm thanh như một kênh biểu đạt để trực tiếp truyền tải “tiếng nói” của chính mình, chủ động làm âm thanh cho tác phẩm của mình. Hiểu biết về quá trình sáng tạo âm thanh cũng giúp cho nghệ sĩ thị giác làm việc/cộng tác hiệu quả hơn với người thực hành sound ở nhiều khu vực (nhà soạn nhạc, nghệ sĩ sound, kỹ sư âm thanh…).

Thông qua việc tiếp cận lý thuyết cũng như thực hành, tương tác, trao đổi thảo luận, chuỗi workshop này sẽ giúp người tham gia khám phá âm thanh như một hiện tượng và một phương tiện biểu đạt; Hỗ trợ quá trình khám phá, làm việc và thử nghiệm với âm thanh – ứng dụng trong thực hành sáng tạo ở nhiều lĩnh vực với những tài nguyên/nguồn lực sẵn có; Cung cấp các nền tảng cơ bản để kết nối với không gian âm thanh một cách cá nhân và trực tiếp hơn – từ góc độ của người nghe và người làm sáng tạo.

Thời lượng: 08 buổi
Ngôn ngữ: Tiếng Anh – có phiên dịch Tiếng Việt
Phí tham dự: 4.000.000 VND
* Cách thức đóng phí sẽ được hướng dẫn trực tiếp trong email xác nhận sau khi hoàn thành đăng ký tham dự chương trình.

Các nội dung chính

Khám phá âm thanh như một hiện tượng: hiểu về sóng âm, cơ chế và cách thức vận động.
Ngẫu hứng sáng tạo âm thanh độc lập và theo nhóm: sử dụng âm thanh như một phương tiện biểu đạt cá nhân cũng như đối thoại, tương tác.
Lắng nghe âm thanh một cách chủ động hơn thông qua những cách thức đa dạng: đi sâu vào khía cạnh tâm lý-thể chất của việc lắng nghe.
Tìm nguồn âm/chất liệu và tạo ra âm thanh nguyên bản: thử nghiệm với các nhạc cụ mộc và điện tử, các vật liệu âm thanh tìm thấy (found sonic material), bản thu hiện trường…
Ghi âm, biên tập, cấu trúc âm thanh: những bước cơ bản trong việc sử dụng microphone, các phương tiện/công cụ kỹ thuật để thao tác và xử lý âm thanh.
Khám phá những khả năng tương tác của âm thanh với các phương tiện khác: mối quan hệ của âm thanh với hình ảnh và chuyển động.

Đối tượng tham gia

Chương trình dành cho nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật thị giác và các lĩnh vực sáng tạo, cũng như bất cứ ai có quan tâm, mong muốn tiếp cận, khám phá và thực hành với âm thanh như một phương tiện của sáng tạo nghệ thuật.

Về người hướng dẫn

Ian Richter là nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, nhà trị liệu âm nhạc. Hoạt động của anh bao gồm biểu diễn, sáng tác nhạc cho múa đương đại, thiết kế âm thanh cho phim và nghệ thuật thị giác. Không định danh hay khu biệt thực hành của mình trong những phong cách, khái niệm hay quy ước trong âm nhạc, các tác phẩm của Ian trải rộng nhiều thể loại từ nhạc điện tử trừu tượng, nhạc cổ điển đương đại cho đến âm nhạc sân khấu thể nghiệm và hơn thế nữa. Với khả năng nắm bắt trải nghiệm âm thanh của con người và xử lý nhuần nhuyễn các yếu tố kỹ thuật, anh khám phá những vùng âm thanh mới mà không làm mất đi giá trị truyền cảm của âm nhạc.

Các album cá nhân của Ian được phát hành bởi hãng thu âm Confused Machines và dự án độc lập ‘Sekret Pakt’. Anh cũng cộng tác trong nhiều dự án âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật thị giác, cả trong vai trò biểu diễn và sáng tác, trong đó có triển lãm “Anisa Ashkar: Black Gold” tại Bảo tàng Văn hóa Hồi giáo và Cận Đông (Israel, 2018), Vở múa đương đại “2Her” trong khuôn khổ Dance Arena Festival tại Jerusalem (2016), vở kịch múa “A wo|man” thuộc Dự án Sân khấu Antigone của Viện Goethe Việt Nam (2022), dự án âm nhạc cổ điển Schubert in a Mug (2023). Là một nhà trị liệu âm nhạc, anh từng thực hiện các liệu pháp âm nhạc với trẻ em, thanh thiếu niên gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần/khuyết tật nhận thức ở Israel và Việt Nam. Anh cũng từng tham gia một số workshop với vai trò hướng dẫn như chuỗi workshop “Emotional selfcare” (2020) do MAI:tri và Blossom Art House tổ chức, workshop “Dance & Music Connection” (2023) của Kinergie Studio.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.