
Di sản: Chiếu phim & Thảo luận
Thời gian: 2024-01-13
Hà Nội - Đại học Fulbright Vietnam (TP. HCM) & Á Space (Hà Nội)
Hội chợ & Triển lãm14:00 (GMT +7), thứ Bảy 13/01/2024
Đại học Fulbright Vietnam (TP. HCM) & Á Space (Hà Nội)
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Các tác phẩm hình ảnh động của Edith Amituanai, Martin Sagadin, Ukrit Sa-nguanhai, Pati Tyrell, Sriwhana Spong
Giám tuyển: TS May Adadol Ingawanij cho CIRCUIT 2022/23
Đồng tổ chức bởi Nguyễn Art Foundation (HCMC) và CIRCUIT (NZ), hợp tác với Đại học Fulbright Vietnam (TP. HCM) và Á Space (Hà Nội)
* Phụ đề: tiếng Việt | Thảo luận: tiếng Anh
“Di sản có vị, mùi, âm thanh, cảm giác và trông thế nào?
“Di sản là những gì ta mang, đôi khi cùng niềm hãnh diện, đôi khi với nỗi hổ thẹn, như một nền tảng của gắn kết xã hội, cho dù chúng có đeo đẳng theo ta như một cơn đau không dứt, một gánh nặng, một hồn ma.
“Di sản như: di sản nghệ thuật, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo tiền hiện đại của vùng đất nơi ta sinh ra và lớn lên; di sản của chế độ thuộc địa, những bóng ma của các đế quốc và chủ nghĩa dân tộc, trong và sau chủ nghĩa thực dân, cũng như lực lượng liên tục hình thành nên chúng; di sản của lịch sử nghệ thuật/điện ảnh hiện đại, những câu chuyện và những cách hiểu biết đã định hình nên con người ta, nhưng đồng thời cũng là những điểm mâu thuẫn mà ta mong muốn gạt bỏ.”
Mỗi nghệ sĩ trong chương trình hình ảnh động mới của CIRCUIT 2022/23, bao gồm Edith Amituanai, Martin Sagadin, Ukrit Sa-nguanhai, Pati Tyrell và Sriwhana Spong, đã được mời để sáng tác một tác phẩm hình ảnh động ngắn nhằm phản hồi các câu hỏi xoay quanh trường nghĩa vang vọng của khái niệm “di sản” đến từ giám tuyển, TS May Adadol Ingawanij.
Epifania (2022) của Edith Amituanai phác hoạ bức chân dung đầy sức sống của Epifania – một phụ nữ người Pasifika theo chế độ mẫu hệ, một đoá hồng mọc lên trên nền bê tông. Khu vườn đất sét (2022) của Martin Sagadin lần theo bàn tay tạo tác của người nghệ sĩ điêu khắc – một hành trình bắt đầu bằng việc trao tặng lại đất cho Đất Mẹ, bằng sự tri ân những bậc tiền bối. Và cây leo tiếp tục vươn tới cây lửa (2022) của Sriwhana Spong thổi hồn vào bầy côn trùng mà tác giả tìm thấy trong bức hoạ của cùng của ông nội – họa sĩ người Bali mang tên I Gusti Made Rundu. Dưới con mắt của Sriwhana, bầy côn trùng ấy tưởng tượng về tổ tiên của chúng không phải như sự kế thừa tuyến tính, mà là sự tích lũy năng lượng “chất chứa tiềm năng”. Chuyến Đi Sau (2022) của Ukrit Sa-nguanhai mang hình thái của một vlog du lịch, thuật lại hoạt động của sê-ri các buổi chiếu phim di động mà Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ tổ chức ở Đông Bắc Thái Lan trong những năm 1960. Tulouna le Lagi (2022) của Pati Tyrell là bản hoà ca thị giác, sử dụng hình ảnh từ kho lưu trữ cá nhân của nghệ sĩ để tái diễn giải những alagaupu (tục ngữ) mà người Samoa sử dụng trong tang lễ.
Những câu hỏi mà TS May Adadol Ingawanij gửi tới các nghệ sĩ đồng thời cũng phản chiếu những nỗ lực nội tại của quá trình hiện thực hóa triển lãm Tạp âm trắng. Phỏng như, giám tuyển từ một bộ sưu tập có sẵn, với các tác phẩm đương đầu với sự phức tạp đa thanh của những lịch sử mà ta thuộc về, dù do lựa chọn hay bởi hoàn cảnh. Là sự kiện cuối cùng trong chuỗi chương trình cộng đồng xoay quanh Tạp âm trắng, Di sản cũng đóng lại hành trình 6 tháng hiện diện của triển lãm. Màn sẽ khép, những câu hỏi vẫn bỏ ngỏ, mong cùng ngẫm nghĩ.
Chương trình sẽ trình chiếu 05 tác phẩm hình ảnh động và theo sau là trò chuyện giữa TS May Adadol Ingawanij, GS Trâm Lương và Vân Đỗ. Chương trình diễn ra đồng thời tại Đại học Fulbright Việt Nam (TP. HCM) và Á Space (Hà Nội).
Về diễn giả:
May Adadol Ingawanij | เม อาดาดล อิงคะวณิช hiện là người viết, giám tuyển và nhà giáo. Mối quan tâm và thực hành của cô trải rộng đa khía cạnh như: nghệ thuật đương đại Đông Nam Á; dòng chảy lịch sử và phả hệ phi phương Tây–phi tập trung của nghệ thuật điện ảnh; những di sản mang tính tiên phong tại khu vực này cũng như các cách thức kiến tạo tương lai trong những thực hành nghệ thuật và triển lãm đương đại tại các quốc gia Nam Toàn cầu. Cô đồng thời dành nhiều thời gian nghiên cứu về mỹ học và sự giao thoa, dịch chuyển giữa những hình ảnh chuyển động, nghệ thuật và các tác phẩm điện ảnh độc lập thuộc về hoặc liên quan tới Đông Nam Á. Hiện tại, cô giữ chức vụ Giáo sư Nghệ thuật Điện ảnh và Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Nghệ thuật và Truyền thông tại Đại học Westminster.
Trâm Lương là nhà nghiên cứu nhân học thị giác và mỹ thuật đa phương tiện. Luận án tiến sĩ của cô nghiên cứu về mối quan hệ liên sắc tộc giữa người Khmer và người Việt xuyên suốt những giai đoạn lịch sử khác nhau của Campuchia.
Trâm Lương nghiên cứu nghệ thuật sâu rộng cả trong bối cảnh đương đại và học thuật. Những nghiên cứu của cô đã được trình bày tại một số hội nghị quốc tế như Hội nghị Nghiên cứu Châu Á tại Nhật Bản và Châu Á trực quan hóa tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi học, Đại học London, Anh Quốc. Đồng thời các công trình nghiên cứu của cô cũng được xuất bản trên các tập san nghiên cứu như Journal of Peasant Studies, Anthropology Now, và On Our Times–The Digital Journal of Times Museum. Bộ phim đầu tay của cô mang tên Elegy for the time being (tạm dịch: Khúc ta thán thời đại) là bộ phim tài liệu thử nghiệm xoay quanh những tác động lâu dài từ những cuộc xung đột trong quá khứ lên các thế hệ nghệ sĩ người Việt và học giả Hoa Kỳ, kết hợp nghiên cứu dân tộc học với cách thể hiện mang tính nghệ thuật. Bộ phim nhận được đánh giá tích cực tại nhiều liên hoan phim quốc tế như Liên hoan Phim Tài liệu New Haven tại New Haven, Connecticut, Liên hoan phim DocFest tại Hà Nội và Liên hoan phim Ethnografilm tại Paris. Ngoài ra, bộ phim còn được công chiếu đặc biệt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội năm 2017.
Vân Đỗ (sn. 1995, Việt Nam) là giám tuyển và người viết hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Thực hành giám tuyển của Vân quan tâm tới những can thiệp vào các cấu trúc không gian có sẵn và thiết lập những tham dự có tính phê bình vào cộng đồng địa phương. Từ 2019 tới 2021, Vân làm việc trong nhóm giám tuyển của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (TP. HCM). Năm 2022, Vân chuyển về Hà Nội và bắt đầu vai trò Giám đốc Nghệ thuật của Á Space, một không gian độc lập ở Long Biên dành cho các thử nghiệm nghệ thuật. Các dự án và triển lãm gần đây gồm: Vy Trịnh: Quá áp (Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội, 2023); Tạp âm trắng (Nguyễn Art Foundation, TP. HCM, 2023); Tương tương ngộ ngộ cá kho tộ, ngộ ngộ tương tương đậu kho tương (Á Space, Hà Nội, 2023); IN:ACT 2022 (Nhà Sàn Collective & Á Space, Hà Nội & Kassel, 2022); Hà Ninh Pham: Ngụ ngôn quy nạp (A+ WORKS of ART, Kuala Lumpur, 2022); Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên (The Factory, TP. HCM, 2021); Ca tụng (cõi) vi sinh (Dcine, TP. HCM, 2020).
Á Space là một không gian nghệ thuật phi lợi nhuận độc lập và một cộng đồng gồm những người thực hành nghệ thuật thể nghiệm tại Long Biên, Hà Nội. Á thành lập năm 2018 bởi Tuấn Mami, Rory Gill và Lê Dụng Hiệp với nhiệm vụ hỗ trợ và xây dựng cho các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam, nơi cơ sở hạ tầng cho nghệ thuật còn hạn chế. Ban giám tuyển hiện tại của Á gồm Vân Đỗ, Hà Ninh, Linh Lê, Vũ Đức Toàn, Châu Hoàng và Đặng Thuỳ Anh. Á Space cộng tác với các nghệ sĩ, giám tuyển và nhà nghiên cứu độc lập ở trong nước và nước ngoài, cam kết với việc đóng góp một cách có tính phê bình vào cộng đồng nghệ thuật Việt Nam, tạo ra những trao đổi liên ngành, liên thế hệ, đa dạng trong đối thoại với bối cảnh khu vực và quốc tế. Các chương trình nổi bật gồm: chương trình lưu trú Solo Marathon (2019-nay), Rạp chiếu bóng Ô Cách (2023), Tổng kết Quý IV (2023).
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.