
Triển lãm ảnh “Khi ta đã từng”
Thời gian: 2023-12-30
Hà Nội - 551 Nguyễn Văn Cừ, Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội
Hội chợ & Triển lãm17 – 30/12/2023
Nhà điện cao thế – Khu 33B, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm
551 Nguyễn Văn Cừ, Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội
Thông tin từ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội:
Giới thiệu tác phẩm của hai nhiếp ảnh gia trẻ, Đan và Nguyễn Minh Hoàng ghi lại những khía cạnh khác nhau của thế hệ trẻ. Trong một xã hội cấu thành bởi tốc độ phát triển vô tiền khoáng hậu, nơi con người buộc phải thích nghi với nhịp sống gấp gáp thì những khoảnh khắc chậm lại để suy ngẫm ngày một trở nên khan hiếm. Việc thiếu sự phản tư đẩy ta vào một trạng thái mê man vô tận giữa những nhận thức méo mó về thời gian và dần dẫn đến sự mất phương hướng.
Đan sử dụng những hình ảnh cô chụp thường nhật để ghi lại tính mong manh của tuổi trẻ. Tác phẩm “I am everywhere / tôi ở mọi nơi” của Đan là một nỗ lực định nghĩa bản chất nghịch lý của sức sống trẻ, khi mọi thứ nhiều lúc có vẻ nặng nề nhưng lại cùng lúc hoàn toàn phù du. Thẩm mỹ mộng mơ, dễ thương, vô tư bị chất vấn bởi chính chủ thể của bức ảnh. Một hỗn hợp của thực tế, kỳ vọng, và cách thể hiện khiến người xem bối rối cũng như gợi nhắc ta rằng những hình ảnh lý tưởng được trình chiếu trong kỷ nguyên của mạng xã hội hoàn toàn có thể khác xa với cái tôi đích thực của chúng ta.
Trong khi đó, Nguyễn Minh Hoàng tìm kiếm một hướng tiếp cận tập trung hơn với chủ đề tuổi trẻ, song giữ mình trong một khoảng cách nhất định. Hoàng xử lý những nhập nhằng cảm xúc cá nhân thông qua thực hành nhiếp ảnh. 30 bức ảnh được chụp trong khoảng từ năm 2016 đến 2018 là thành quả của những quan sát cá nhân của nghệ sĩ về hiện thực xã hội Việt Nam. Khi trở về Việt Nam từ nước ngoài, Hoàng đối mặt với cảm giác lạc lõng, mất phương hướng và những thách thức trong việc thích nghi với một môi trường đã thay đổi quá nhanh từ khi anh vắng mặt. Điểm nhìn của Hoàng được cấu thành từ những lớp lang đau buồn và mất mát. Mỗi tấm ảnh là hiện diện của những cuộc đấu tranh nội tâm và sự kiên cường mà anh khám phá thấy trong chính mình.
Triển lãm cũng sẽ có sự góp mặt của Zelda – một người viết với các tác phẩm trong cuốn “Giữa ai, và ai, không ai” được xuất bản năm 2016.
Triển lãm “Khi ta đã từng | When I was when we were” mời người xem lùi một bước, dành vài phút tĩnh lặng để suy ngẫm giữa một thế giới không ngừng dịch chuyển. Đây là lần đầu tiên tác phẩm của cả hai nhiếp ảnh gia cùng có mặt tại Hà Nội.
Triển lãm được giám tuyển bởi Nguyễn Hải Nam.
Đội ngũ thực hiện: Nguyễn Bích Đào, Nguyễn Tú Hằng, Trần Thảo Miên, Nguyễn Hồng Anh
Về nghệ sĩ:
Đan bắt đầu hành trình lưu trữ ký ức thông qua hình ảnh từ năm 2014, thử nghiệm các chất liệu khác nhau trong quá trình tráng phim, những hình ảnh thường mang đến kết quả bất ngờ. Từ cuối năm 2014, Đan tham gia dự án Humans of Hanoi – nơi tập trung vào những câu chuyện nhân văn xoay quanh văn hoá Hà Nội từ góc nhìn cá nhân. Thông qua thực hành nhiếp ảnh, Đan cộng tác với các dự án từ không gian văn hóa sáng tạo, hỗ trợ các thương hiệu thiết kế nội địa có thể kể đến như Collective Sonson, Đồ Chơi chữ, Khê, Phong The O Room, Miilk,… Hiện tại, Đan là thành viên của Hanoi Grapevine – Không gian văn hóa sáng tạo truyền thông lớn nhất cho các sự kiện văn hoá nghệ thuật tại Việt Nam.
Nguyễn Minh Hoàng nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật về Nghệ thuật phóng sự thể nghiệm tại Đại học Duke, Hoa Kỳ. Hoàng chọn cho mình cách tiếp cận nhiếp ảnh hàm chứa cả hiện thực và ý niệm. Anh dùng chân dung tự họa để kết nối bản thân với thế giới bên ngoài, để tiếp cận và tìm hiểu những người, những vật, những sự kiện lịch sử hay đương thời, và những ý tưởng siêu thực. Những khi không tự chụp mình, anh chụp những khung cảnh tiệm cận li kì trong cuộc sống đời thường xung quanh.
‘Giữa ai, và ai, không ai’ là tên cuốn sách ảnh dạng postcard book của Zelda, nói về những khoảnh khắc chơi vơi trong những mối quan hệ tình cảm chưa kịp gọi tên của giới trẻ. ‘Giữa ai, và ai, không ai’ sử dụng những hình ảnh được chụp lại bằng máy phim ở nhiều nơi Zelda và bạn đã từng đặt chân tới, xen kẽ những câu thơ được trích từ hai tập thơ “Và để cơn mưa nằm yên” (NXB Văn Học, 2015, có tái bản) và “Lúc nào cũng là quá muộn” (NXB Phụ Nữ, 2016, có tái bản). Bộ sách ảnh được xuất bản năm 2016 bởi NXB Báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò, với 5000 bản giới hạn và đã bán hết.
Về giám tuyển:
Nguyễn Hải Nam tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử nghệ thuật và Khoa học truyền thông tại Đại học Martin-Luther Halle (Martin-Luther University Halle-Wittenberg) và Nghệ thuật nhiếp ảnh tại Đại học chuyên ngành đồ hoạ và nghệ thuật thiết kế sách (Hochschule für Grafik undBuchkunst Leipzig – HGB). Năm 2019, Hải Nam được học bổng Giám tuyển và trở thành trợ lý giám tuyển cho Bảo tàng nghệ thuật đương đại Leipzig (GfZK).Hiện tại anh đang làm giám tuyển độc lập và quản lý dự án giáo dục AntiRaQua, đồng thời thực hành nghiên cứu tại Viện Văn hoá HKW, Đức.
Lễ hội thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với danh nghĩa tổ chức là UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do Sở Văn hoá thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, UBND các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà sáng tạo, nghệ sỹ…
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.