
Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”
Thời gian: 2023-11-26
Hà Nội - 551 Nguyễn Văn Cừ, Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội
Hội chợ & Triển lãm17 – 26/11/2023
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm
551 Nguyễn Văn Cừ, Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội
Thông tin từ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội:
Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” do KTS Mai Hưng Trung – người sáng lập Hà Nội Ad Hoc thiết kế kiến trúc, với nội dung trưng bày chia làm 05 khu vực do Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đồng thực hiện. Triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần sáng tạo để thiết kế không gian đổi mới kiến tạo giá trị văn hóa.
Triển lãm chia làm 05 khu vực trưng bày:
Khu 1: Trưng bày nghiên cứu và tiến trình lịch sử của 12 nhà máy trong địa bàn Hà Nội. Thực hiện bởi Hà Nội Ad Hoc
Không gian sẽ trưng bày nghiên cứu và hồ sơ lưu trữ của 12 nhà máy nổi bật ở Hà Nội, đặc biệt là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Mỗi nghiên cứu này tái hiện dòng lịch sử hình thành của từng địa điểm và trình chiếu những tư liệu liên quan đến Phối cảnh, Tổng mặt bằng và tư liệu ngắn. Ngoài ra, khu vực sẽ chiếu bộ phim tư liệu tái hiện đời sống của những nữ công nhân làm việc trong các nhà máy quốc doanh, từ đó chất vấn mối quan hệ giữa các thực thể kiến trúc và kí ức tập thể, con người.
Khu 2: Trưng bày các tác phẩm nghệ thuật lấy chất liệu từ nhà máy xe lửa Gia Lâm và những đối chiếu từ góc nhìn quốc tế.
Không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật được tạo tác từ chất liệu công-nghiệp, thực hiện bởi những nghệ sỹ khách mời: Nghệ sỹ điêu khắc Vy Trịnh và nghệ sỹ – Giám tuyển – Nhà nghiên cứu Jennifer Vanderpool.
Khu 3: Khu tương tác cộng đồng
Tại đây, người xem có thể tương tác trực tiếp với bản đồ của 170 nhà máy và khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bao gồm thông tin cụ thể, vị trí của từng nhà máy. Ngoài ra, không gian còn trưng bày mô hình vật lý thực của nhà máy xe lửa Gia Lâm và trình chiếu những hình ảnh sáng tạo, đề xuất hướng phát triển không gian và chức năng nhà máy xe lửa. Cuối cùng là những đồ án ấn tượng đoạt giải trong Cuộc thi thiết kế nhanh 72 giờ,gợi mở những khả thể về tương lai của các di sản công nghiệp tại Hà Nội.
Khu 4: Triển lãm ” Đánh thức di sản” – Đại học Xây dựng Hà Nội:
Guồng quay của những dòng vận động trong quá trình toàn cầu hóa và công nghiệp hóa đã làm lãng quên đi rất nhiều không gian di sản chứa đựng những giá trị này. Bằng các giải pháp không gian sáng tạo, sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà nội đã đề xuất đánh thức không gian di sản, thổi sức sống mới vào các không gian xưa cũ, tái truyền tải các mã gene văn hóa vào thế hệ trẻ ngày nay.
Khu 5: Chủ đề triển lãm: Tiếp cận mới Kiến trúc công nghiệp” – Đại học Kiến trúc Hà Nội
Kiến trúc công nghiệp ngày nay cũng đòi hỏi những không gian kiến trúc ngày một tiện nghi hơn, xanh hơn, sạch hơn. Cùng với đó, nhu cầu cần thể hiện dấu ấn thương hiệu của các nhà đầu tư ngày một lớn, thông qua định vị bản sắc thương hiệu về kiến trúc, màu sắc, không gian, vật liệu…
Xuất phát từ thực tiễn đó, phong cách kiến trúc “ICONIC DESIGN” trong các công trình công nghiệp nói chung và công trình công nghiệp nhẹ nói riêng đang trở thành xu hướng thiết kế. Nắm bắt theo xu hướng thiết kế trên, các sinh viên kiến trúc đã có các giải pháp thiết kế tiếp cận với thực tiễn để giúp cho mỗi nhà máy sẽ có những cá tính riêng đồng thời làm mềm mại hơn, đổi mới hơn phong cách truyền thống của kiến trúc công nghiệp.
Đơn vị thiết kế: KTS. Mai Hưng Trung
Giám tuyển : Hà nội ad hoc.
Thực hiện: Hà nội ad hoc, đại học kiến trúc Hà Nội, đại học xây dựng Hà nội, nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Về Hà Nội Ad Hoc:
Hà Nội Ad Hoc được khởi xướng bởi KTS. Mai Hưng Trung với sự tham gia của các cộng sự: Giáo sư, nhà nhân học Christina Schwenkel, KTS. Lê Đức, nghiên cứu viên Võ Kim Ylan.
Với tiêu chí là một dự án nghiên cứu đa ngành, Hà Nội Ad hoc là sự giao thoa giữa các góc nhìn khác nhau như nhân học, địa lý học, kiến trúc, nghệ thuật… với 7 chủ đề nghiên cứu tương ứng với 7 thành tố đô thị: không gian sản xuất; không gian ở; nước và hệ sinh thái; làng đô thị; cấu trúc tâm linh; không gian công cộng; cơ sở hạ tầng.
Định hướng chính của dự án tập trung vào việc tìm tòi những logic kiến tạo đô thị đặc ứng như đo ni đóng giày (ad hoc) thông qua kiến trúc cũng như các thành tố cấu thành đô thị trong quá khứ và bối cảnh đương đại của Hà Nội.
Qua đó, dự án hy vọng sẽ mang đến cách nhìn nhận và tiếp cận mới về tính ngẫu hứng thường nhật tưởng chừng như hỗn loạn và phi chính thống, điều đã góp phần tạo nên sự đa dạng và tăng khả năng thích ứng của đô thị trước những thay đổi về xã hội, kinh tế, chính trị, khí hậu và hệ sinh thái.
Kết quả nghiên cứu của dự án có thể phục vụ cho công tác lưu trữ, giáo dục, lý thuyết hóa, phản biện, thực hành kiến trúc hay khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc suy nghĩ về những khả thể tiếp biến của một hệ thống kiến thức hay thực thể đô thị đang dần bị bỏ quên.
Nghệ sỹ điêu khắc Vy Trinh:
Vy Trịnh (sinh năm 1996, tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam). Các tác phẩm của cô khám phá về cách mà các đồ vật thông thường vượt ra khỏi bản thân chúng, để phản chiếu bối cảnh lớn hơn. Thực hành sáng tác của cô lần theo dấu vết và mạng lưới của những đồ vật, của những hình thức lao động khác nhau, cũng như những địa điểm nơi mà những sự vật/ sự việc đó liên tục được đàm phán và thích nghi.
Nghệ sỹ – Giám tuyển – Nhà nghiên cứu Jennifer Vanderpool:
Jennifer Vanderpool là một nghệ sĩ đa ngành, một giám tuyển và là một nhà văn tại Los Angeles, California, Mỹ. Cô luôn đặt câu hỏi về cấu trúc xã hội của địa điểm từ những ảnh hưởng của lịch sử, chủng tộc, giai cấp, giới tính và lao động. Cô khai phá cuộc sống và thành phố của người lao động qua những triển lãm mang tính đặc thù về cộng đồng và nơi chốn.
Lễ hội thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với danh nghĩa tổ chức là UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do Sở Văn hoá thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, UBND các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà sáng tạo, nghệ sỹ…
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.